Văn khấn tết Hàn Thực, bánh trôi bánh chay

Tết Hàn Thực là một ngày Tết quan trọng trong truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Tết diễn ra trong ngày 3/3 Âm lịch hàng năm. Chữ “Hàn” có nghĩa là lạnh, chữ “Thực” có nghĩa là thực phẩm, Hàn Thực ở đây là ngày Tết mà người ta nấu các thực phẩm lạnh, đặc biệt là bánh trôi và bánh chay để cúng chư Phật và gia tiên.

Điển tích

Tết Hàn Thực có từ thời Hùng Vương, bắt nguồn từ câu truyện trăm trứng đẻ trăm con của mẹ Âu Cơ. Trong một số sách cổ thì dân gian cũng quan niệm rằng làm bánh trôi tượng trưng cho trời và bánh chay tượng trưng cho đất.

Tài trợ nội dung

Ngoài ra, còn một điển tích khác, là Tết Hàn Thực bắt nguồn từ câu chuyện về một trung thần hết lòng vì vua.

Thời Xuân Thu, Tấn Văn Công là vua nước Tần vì bại trận nên phải lưu lạc khắp phương trời, may gặp được một hiền sĩ tên Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi là người tài giỏi nhưng lại đem tâm tình nguyện dốc lòng phò tá Tấn Văn Công suốt 19 năm trời, chịu biết bao đắng cay, khổ sở. Có lần hai người trốn trong rừng sâu đã một tháng trời mà không có gì bỏ bụng, Giới Tử Thôi nói với Tấn Văn Công rằng “xin bệ hạ để thần ra ngoài kiếm chút lương thực” nhưng thực chất là lén ra sau cắt miếng thịt đùi về nấu cháo cho Tấn Văn Công ăn.

Qua cơn đói cũng là lúc Tấn Văn Công gặp được thời cơ chiêu bộ binh sĩ, cùng với các hiền tài ông từng bước dành chiến thắng và đoạt lại ngôi báu. Đến lúc lên ngôi Tấn Văn Công ban thưởng hậu hĩnh cho những trung thần đã dốc sức phò tá nhưng vô tình lại quên mất Giới Tử Thôi. Nghĩ rằng tấm lòng trung quân của mình âu cũng là nghĩa vụ nên không có gì phải nuối tiếc, Giới Tử Thôi xin vua về ở ẩn, chăm sóc mẹ già tại núi Điền Sơn.

Sau này khi Tấn Văn Công nhớ ra, vô cùng hối hận. Ông cho quân lính đi tìm, mời Giới Tử Thôi về ban tước nhưng người hiền sĩ năm nào nhất quyết từ chối. Vua nổi giận hạ lệnh đốt rừng để bắt Giới Tử Thôi về cung nhưng vô tình làm chết cả hai mẹ con.

Thương xót trước tấm lòng trung quân của Giới Tử Thôi, Tấn Văn Công lập miếu thờ và hạ lệnh cho toàn dân để tang 3 ngày, không ai được đốt lửa để tưởng nhớ. Người dân về sau cảm kích trước tấm lòng của bậc hiền sĩ mà cũng lấy ngày ông mất là 3/3 để làm lễ tưởng nhớ, gọi là Tết Hàn Thực.

Văn khấn tết Hàn Thực

Vào ngày 3/3 Âm lịch, người dân thường chuẩn bị mâm cúng bao gồm hương, hoa, trầu cau, 3 (hoặc 5) bát bánh trôi và 5(hoặc 3) bát bánh chay dâng lên bàn thờ.

Tùy vào tập tục vùng miền, văn khấn tết Hàn Thực có chút khác biệt, 2 bài văn khấn phổ biến:

Bài 1

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

Con kính lạy Hoàng thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Bản cảnh Thành hoàng, ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

Con kính lạy Cao Tằng Tổ khảo, Cao Tằng Tổ Tỷ, Thúc Bá, Đệ Huynh, Cô Di, Tỷ Muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ (chúng) con là: …..

Ngụ tại: …………………….

Hôm nay là ngày: ………… gặp tiết Hàn thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị Tôn thần, nhớ đức cù lao Tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án.

Chúng con kính mời ngài Bản cảnh Thành hoàng Chư vị Đại Vương, ngài bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long Mạch, Tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ …..cúi xin thương xót con cháu giáng về linh chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị Tiền chủ, Hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai hâm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khoẻ, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hoà thuận, trên bảo dưới nghe.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Bài 2

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Con lạy chín phương trời, mười phương Phật, chư Phật mười phương. Con kính lạy Hoàng thiên hậu thổ, chư vị tôn thần. Con kính lạy ngài bản cảnh thành hoàng, ngài bản xứ thổ địa, ngài bản gia táo quân cùng chư vị tôn thần.

Con kính lạy cao tằng tổ khảo, cao tằng tổ tỷ, thúc bá, đệ huynh, cô di, tỷ muội họ nội họ ngoại.

Tín chủ chúng con là ..…Ngụ tại…..

Hôm nay là ngày ….. Âm lịch, gặp tiết Hàn Thực, tín chủ chúng con cảm nghĩ thâm ân trời đất, chư vị tôn thần, nhớ đức cù lao tiên tổ, thành tâm sắm lễ, quả cau lá trầu, hương hoa trà quả, đốt nén tâm hương, dâng lên trước án. Chúng con kính mời ngài bản cảnh thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh thổ địa, ngài bản gia táo quân, ngũ phương, long mạch, tài thần giáng lâm trước án chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

Chúng con kính mời các cụ tổ khảo, tổ tỷ, chư vị hương linh gia tiên nội ngoại họ… (họ của gia chủ) cúi xin thương xót cho con cháu giáng về chứng giám tâm thành thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ con lại kính mời các vị vong linh các vị tiền chủ, hậu chủ ngụ trong nhà này, đất này đồng lâm án tiền, đồng lai âm hưởng, phù hộ cho toàn gia chúng con luôn luôn mạnh khỏe, mọi sự bình an, vạn sự tốt lành, gia đình hòa thuận, trên bảo dưới nghe.

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

Nam mô A Di Đà Phật!

DaquyVietnam,

Nguồn: Văn Khấn Cổ Truyền – NXB Văn Hóa Thông Tin.

Tham khảo: văn khấn cổ truyền

Ghi rõ nguồn https://daquyvietnam.info khi copy hoặc trích dẫn bài viết.

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!