Ở những phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về Âm Dương và Ngũ hành, tìm hiểu sâu hơn về ngũ hành, thiên can… Qua đó có thể tự mình vận dụng và chọn cho bản thân những sản phẩm đá phong thủy phù hợp mang lại may mắn và tài lộc, cũng như biết cách hóa giải những vận xui bằng đá phong thủy. Ở phần này, chúng ta sẽ tìm hiểu về trường phái phong thủy la bàn, một cách tổng quát và dễ hiểu, sẽ giúp các bạn dễ dàng thực hành và sắp xếp lại ngôi nhà thân yêu của mình sao cho phù hợp, mang một luồng sinh khí mới, hạnh phúc, may mắn và thành công hơn. Bài viết này sẽ mang tới cho các bạn những điều cơ bản nhất để bản thân có thể tự thực hành, bao gồm:
- Bát Quái,
- Tám quẻ của Kinh Dịch,
- Đặc điểm của tám quẻ,
- Tám cung của Bát Quái,
- Cách kích hoạt các cung
- Các công cụ để kích hoạt phong thủy.
Bát Quái
Trong phong thủy thực hành, Bát quái đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Từ xa xưa đến nay, bát quái đã được xem là một trong những biểu tượng hữu dụng nhất để bảo vệ và chống lại những tiêu cực. Bát quái nổi tiếng có thể kể đến như trận đồ Bát quái của Khổng Minh Gia Cát Lượng, hay trại giam Chí Hòa được ví như trận đồ Bát quái giữa lòng Sài Gòn, quốc kỳ của Hàn Quốc cũng là biểu tượng hình bát quái.
“Bát” trong tiếng Hán-Việt có nghĩa là con số 8, ý chỉ Bát Quái là hình có tám cạnh, biểu đạt tương ứng với bốn hướng chính và bốn hướng phụ của la bàn. Theo la bàn của Trung Quốc, hướng Nam sẽ nằm ở phía trên đỉnh và hướng Bắc sẽ nằm phía dưới đáy của chiếc la bàn.
Biểu tượng của Bát Quái có ý nghĩa là tám quẻ trong Kinh Dịch. Những quẻ này lần lượt được xếp ở tám cạnh của Bát Quái, mang ý nghĩa tượng trưng cho tám hướng của chiếc la bàn. Qua đó, chúng ta có thể sử dụng la bàn để kiểm tra, nghiên cứu và sắp xếp lại phong thủy sao cho phù hợp tại môi trường đang sống để thu hút vận may.
Trong khoa học phong thủy hiện đại, để giải thích cho quy luật của vũ trụ và tự nhiên, Tiên Thiên Bát Quái được cho là tượng trưng cho giai đoạn sơ khai của vũ trụ và Hậu Thiên Bát Quái tượng trưng cho việc ứng dụng thực tiễn các quẻ Dịch vào sự hình thành và phát triển của trái đất.
Chính vì Tiên Thiên Bát Quái được cho là biểu tượng sơ khai của vũ trụ, sức mạnh của Tiên Thiên Bát Quái là có thể bảo vệ và chống lại sát khí của những dòng năng lượng độc, thường được các thầy phong thủy khuyên nên treo trước cửa nhà để bảo vệ gia chủ. Tiên Thiên Bát Quái còn được áp dụng trong việc thiết kế Âm Cơ, như xem phong thủy cho mồ mả của tổ tiên gia tộc. Người xưa và nay nếu có tâm, đều rất cẩn trọng trong việc chôn cất và chăm sóc mồ mả của tổ tiên, điều này được giải thích theo tứ trụ, tình trạng phong thủy của mộ phần ông bà, tổ tiên có ảnh hưởng quyết định đến phúc lộc, vận mệnh của con cháu.

Vị trí của tám quẻ dịch trong Tiên Thiên Bát Quái
Hậu Thiên Bát quái ngược lại được dùng cho Dương cơ, hay chính là áp dụng cho môi trường sống hiện tại. Khi thực hành phong thủy, chúng ta dùng cách sắp xếp các quẻ Dịch trong Hậu Thiên Bát Quái khi áp dụng lý thuyết của trường phái phong thủy la bàn hoặc dùng để phân tích mối tương quan giữa các hướng với Ngũ hành.

Vị trí của tám quẻ dịch trong Hậu Thiên Bát Quái
Tám quẻ của Kinh Dịch
Tám quẻ Dịch là nền tảng cơ bản của tổng cộng 64 quẻ trong Kinh Dịch. Nhìn vào hình trên, có thể thấy rằng mỗi quẻ sẽ gồm có ba hào, mỗi hào có thể là một vạch liền hoặc một vạch đứt. Vạch liền được gọi là hào Dương và vạch đứt được gọi là hào Âm. Những quẻ này là tượng trưng cho ba yếu tố là trời, đất và con người.
Trong Kinh Dịch, mỗi quẻ đều mang một ý nghĩa riêng, biểu tượng riêng và hàm ý khác nhau. Mỗi quẻ nằm trên la bàn sẽ tương ứng với một phương hướng, một yếu tố của ngũ hành và đại diện cho một thành viên trong gia đình. Tiên Thiên Bát Quái và Hậu Thiên Bát Quái có sự sắp xếp các quẻ khác nhau và ý nghĩa của các quẻ cũng khác nhau.
Cải thiện tình trạng phong thủy
Khi thực hành phong thủy, mỗi quẻ Dịch có một ý nghĩa riêng sẽ giúp chúng ta có được những thông tin quan trọng, qua đó có thể nghiên cứu trong việc thay đổi, bài trí, sắp xếp lại các vật dụng trong ngôi nhà, nơi làm việc, làm sao cho cân bằng và phát triển tốt hơn.
Khi quan sát và nghiên cứu về tình trạng phong thủy tại môi trường đang sinh sống, tốt nhất chúng ta dùng Hậu Thiên Bát Quái. Hậu Thiên Bát Quái có thể giúp chúng ta nghiên cứu đặc điểm và tính chất của các hướng và các góc trong ngôi nhà hoặc nơi làm việc, đơn giản bằng cách phân tích quẻ Dịch tương ứng với khu vực đó.
Tất nhiên, việc thực hành phong thủy không thể chốc lát mà thành thục, để hiểu được ý nghĩa của các quẻ Dịch cần có thời gian và kinh nghiệm. Nếu hiểu được hàm ý sâu xa của mỗi quẻ, bạn sẽ có được những thông tin quý báu, qua đó tự mình cải thiện được môi trường sống và làm việc.
Đặc điểm của tám quẻ
Tám quẻ dịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng khi chúng ta thực hành phong thủy. Tùy thuộc vào việc sử dụng Tiên Thiên Bát Quái hay Hậu Thiên Bát Quái mà chúng ta cần hiểu về hàm ý và vị trí của các quẻ một cách khác nhau.
Trong Kinh Dịch, các quẻ thường đi kèm với các biểu tượng. Tuy nhiên ở đây khi bàn về phong thủy, ý nghĩa của các quẻ gắn liền với hướng la bàn và con số tương ứng dựa trên ô vuông Lạc Thư (Lạc Thư xem phần cuối bài).

8 quẻ trong kinh dịch
Quẻ càn: sự sáng tạo
Quẻ Càn gồm có ba hào Dương (ba vạch liền song song). Quẻ này đại diện cho người đứng đầu là lãnh tụ, người cha, trưởng nam. Quẻ Càn cũng tượng trưng cho trời, cho ý chí mạnh mẽ, nghị lực phi thường và sự bền bỉ. Quẻ Càn thuộc đại Kim, phương vị là hướng Tây Bắc, con số là 6.
Quẻ Khôn: Sự tiếp nhận
Quẻ Khôn gồm có ba hào Âm (ba vạch đứt song song). Quẻ này đại diện cho người mẹ, trưởng nữ, thuộc hành Thổ, phương vị là hướng Tây Nam, con số là số 2. Giống như người vợ, người mẹ luôn hỗ trợ, chăm sóc vẹn toàn cho người chồng, người cha; còn người làm chồng, làm cha luôn phải gánh vác và che chở cho người vợ. Quẻ Khôn tượng trưng cho sự bổ sung toàn vẹn cho quẻ Càn, quẻ Khôn qua đó cũng phải được Càn hướng dẫn và kích hoạt mới có thể phát huy khả năng đến mức tối đa.
Quẻ Chấn: Sự tăng trưởng.
Quẻ Chấn gồm hai hào Âm nằm trên một hào Dương (hai vạch đứt trên một vạch liền). Đại diện cho người con trai cả trong gia đình. Chấn là sấm và cũng là biểu tượng của con rồng, hình ảnh một hào Dương nằm bên dưới hai hào Âm giống như con rồng từ dưới sâu bay vút lên không trung đầy mạnh mẽ. Chấn thuộc hành Mộc, phương vị là hướng Đông, con số là số 3.
Quẻ Tốn: sự dịu dàng
Quẻ Tốn gồm hai hào Dương trên một hào Âm (hai vạch liền trên một vạch đứt). Quẻ Tốn đại diện cho người con gái cả trong gia đình. Giống như người chị cả, luôn nhường nhịn các em, Tốn cũng tượng trưng cho sự sâu sắc. Quẻ Tốn thuộc hành Mộc, phương vị là hướng Đông Nam, con số là số 4.
Quẻ Đoài: Niềm Vui
Quẻ Đoài gồm một hào Âm trên hai hào Dương (một vạch đứt trên hai vạch liền). Quẻ Đoài đại diện cho người con gái út trong gia đình, giống như con gái út luôn làm cho gia đình thấy vui vẻ và hạnh phúc. Đoài cũng có nghĩa là sông nước, ao hồ và là miệng cười. Đoài cũng biểu thị cho vẻ ngoài yếu đuối, nhu mì nhưng bên trong bướng bỉnh. Đoài thuộc hành Kim, phương vị là hướng Tây, con số là số 7.
Quẻ Cấn: Núi
Quẻ Cấn gồm một hào Dương trên hai hào Âm (một vạch liền trên hai vạch đứt). Quẻ Cấn tượng trưng cho sự tĩnh mịch, lặng lẽ, cô đơn và sự chờ đợi. Đại diện cho người con trai út trong gia đình, thuộc hành Thổ, phương vị là hướng Đông Bắc, con số là số 8.
Quẻ Khảm: Sâu thẳm.
Quẻ Khảm gồm một hào Dương ở giữa hai hào Âm (một vạch liền giữa hai vạch đứt). Khảm tượng trưng cho con trai giữa, tượng trưng cho sự khó nhọc và vất vả, thuộc hành Thủy, phương vị là hướng Bắc, con số là số 1. Quẻ này không được xem là quẻ của niềm vui và hạnh phúc.
Quẻ Ly: Sự bám giữ
Quẻ Ly gồm có một hào Âm nằm giữa hai hào Dương (một vạch đứt nằm giữa hai vạch liền). Quẻ Ly tượng trưng cho người con gái giữa. Như mặt trời, rực sáng, nóng và khô, có hàm ý là sự kiên cường, bên ngoài trông mạnh mẽ và can trường, nhưng bên trong thực ra yếu đuối và trống rỗng. Quẻ Ly thuộc hành Hỏa, phương vị là hướng Nam, con số là số 9.
Tám cung Bát Quái
Như chúng ta đã biết, tám quẻ được sắp xếp theo tám cung trong Bát Quái, tám cung này là đại diện cho tám góc của một căn nhà ( gọi là an cung). Những cung này được xác định bằng la bàn và mỗi cung có một tên riêng là:
Quý Nhân
Tình Duyên
Gia Đạo
Tài Lộc
Quan Lộc
Danh Vọng
Học Thức
Tử Tức

Tám cung Bát Quái
Khi thực hành phong thủy, chúng ta có thể vận dụng các phương pháp nhằm kích hoạt các cung này nhằm mang lại lợi ích cho những người sống chung.
Để thực hành một cách chính xác, điều đầu tiên chúng ta cần phải có một chiếc la bàn tốt để đo đạt, một tờ giấy và một cây bút. Sau đó đứng ở vị trí trung tâm của ngôi nhà nếu bạn muốn kích hoạt phong thủy cho toàn bộ ngôi nhà, hoặc đứng ở vị trí trung tâm của căn phòng nếu bạn muốn kích hoạt phong thủy cho riêng một căn phòng. Sử dụng la bàn để xác định các hướng và vẽ lại vào giấy, 8 hướng gồm bốn hướng chính là Đông, Tây, Nam, Bắc và bốn hướng phụ là Đông Nam, Tây Nam, Đông Bắc và Tây Bắc.
Sau khi xác định được 8 hướng, chúng ta có thể kích hoạt các cung cho ngôi nhà và căn phòng của mình. Các quẻ được sắp xếp theo Hậu Thiên Bát Quái, mỗi quẻ tương ứng với một cung và một hướng la bàn như sau:
Quẻ Ly: hướng Nam, thuộc cung Danh Vọng;
Quẻ Khôn: hướng Tây Nam, thuộc cung Tình Duyên;
Quẻ Đoài: hướng Tây, cung Tử Tức;
Quẻ Càn: hướng Tây Bắc, cung Quý Nhân;
Quẻ Khảm: hướng Bắc, cung Quan Lộc;
Quẻ Cấn: hướng Đông Bắc, cung Học Thức;
Quẻ Chấn: hướng Đông, cung Gia Đạo;
Quẻ Tốn: hướng Đông Nam, cung Tài Lộc;
Cách kích hoạt các cung
Sau khi nắm bắt được các lý thuyết cơ bản ở trên, chúng ta đã phần nào hiểu được cách sử dụng la bàn để kích hoạt các cung nhằm đem lại may mắn cho ngôi nhà của mình. Trước khi áp dụng vào thực tế, bạn cần phải xác định rõ mục đích của mình là gì, suy xét xem bản thân mình đang cần và mong muốn điều gì? tài lộc, sức khỏe, danh vọng hay địa vị, để từ đó thực hành và kích hoạt các cung tương ứng. Việc kích hoạt những cung này thực chất là tạo ra dòng năng lượng tốt (sinh khí) luân chuyển, qua đó sẽ thu hút được may mắn, loại bỏ những dòng năng lượng xấu.
Chẳng hạn, nếu muốn con cái ngoan ngoãn, vâng lời, học hành đỗ đạt, chúng ta phải kích hoạt góc phía Tây, là cung Tử Tức của ngôi nhà hoặc căn phòng. Nếu muốn có tài lộc, chúng ta kích hoạt góc phía Đông Nam của ngôi nhà tức là cung Tài Lộc. Nếu muốn có quan hệ tình cảm vợ chồng tốt đẹp, cần kích hoạt khu vực phía Tây Nam của ngôi nhà tức là cung Tình Duyên.
Tuy nhiên, khi kích hoạt các cung này, đôi khi chúng ta cũng phải phải một số rủi ro không mong muốn, làm cản trở cho việc kích hoạt và thu hút sinh khí. Ví dụ như khu vực mà chúng ta muốn kích hoạt lại nằm ở vị trí đặt toilet hoặc nhà bếp, sẽ cản trở việc thu hút sinh khí, tốt nhất nên đóng cửa toilet không sử dụng nữa, hoặc đặt một vật nào đó nhằm cân bằng và tiết chế trường năng lượng xấu. Ví dụ, nếu toilet nằm ở cung Tình Duyên tức là phía Tây Nam của ngôi nhà, sẽ ảnh hưởng đến việc lập gia đình hoặc hạnh phúc gia đình của bạn. Hoặc nếu nhà bếp ở khu vực này cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến vận may về tình duyên của bạn.
Sau khi quyết định phải quyết định cung nào, chúng ta hãy tiến hành cung cấp sinh khí cho cung đó. Để cung cấp năng lượng cho các cung, chúng ta có thể sử dụng các công cụ để kích hoạt như đèn, chuông gió, bể cá…
Công cụ kích hoạt phong thủy
Sau khi đã quyết định việc kích hoạt một cung mong muốn, chúng ta có thể sử dụng những công cụ kích hoạt phong thủy để mang lại sinh khí, tăng cường năng lượng cho cung đó. Những công cụ này có thể chia thành 8 loại, tượng trưng cho 8 cung như sau:
- Vật phát sáng, có thể phản chiếu như gương, đèn, các sản phẩm làm từ pha lê…
- Thực vật hoặc sinh vật như cây cảnh, hoa tươi, bể cá cảnh, hoặc các sản phẩm mỹ nghệ, tranh vẽ mô phỏng
- Vật phát ra âm thanh dễ chịu như chuông gió.
- Vật thể có chuyển động vòng tròn như bánh xe, cối xay gió, đài phun nước, quạt gió, cửa xoay.
- Vật nặng mang tính dương cao như đá, hòn non bộ, tượng điêu khắc.
- Đồ điện tử phát thanh như loa, đài, ti vi.
- Vật dài, rỗng như cây sáo, chuông gió.
- Màu sắc theo Ngũ hành.
Các loại công cụ này có thể đặt ở các góc tương ứng với các cung mà bạn muốn kích hoạt. Đèn chiếu sáng có thể đặt ở bất kỳ góc nào và cũng là một trong những công cụ mạnh nhất để tăng cường vận may cho bạn. Tương tự, mỗi một đồ vật nếu biết đặt đúng chỗ đều có thể mang lại may mắn về công danh, sự nghiệp, con cái, tình duyên… Sau đây là ví dụ thực hành cho các cung bằng công cụ kích hoạt phong thủy:
Cung Gia Đạo và Tài Lộc
Để một cây hoa ở khu vực phía Đông và Đông Nam sẽ tăng cường vận may về quan hệ gia đình và tài lộc, bởi vì hai khu vực này thuộc hành Mộc. Tuy nhiên, chúng ta phải đảm bảo cây và hoa phải luôn xanh tươi và không bị khô héo hay úa tàn. Nếu cây bị chết sẽ tạo sát khí và mang lại vận rủi. Cũng lưu ý là nên tránh dùng những loại cây có nhiều gai như xương rồng. Phù hợp nhất là cây có lá to và tươi tốt. Ngoài ra, cũng có thể đặt một hồ cá nhỏ ở khu vực này do Thủy sinh Mộc, nhưng phải luôn giữ cho sạch sẽ.
Cung Quan Lộc
Để một chậu cá cảnh ở khu vực phía Bắc của ngôi nhà hoặc căn phòng sẽ tạo ra sinh khí giúp tăng cường vận may về nghề nghiệp, nhưng không nên để nước tràn và hồ cá quá lớn, điều này như lũ lụt nhấn chìm cả vận may của bạn. Bể cá cảnh nên nuôi cá loại nhỏ hoặc cá vàng, tránh nuôi những loại cá ăn mồi sống hoặc cá có nhiều góc cạnh, vì thân hình của chúng có thể làm giảm sinh khí và năng lượng tốt.
Cung Tử Tức và cung Quý Nhân
Cung Tử Tức và cung Quý Nhân nằm ở hướng Tây và Tây Bắc, treo một chiếc chuông gió sẽ giúp tăng cường vận may về con cái và thu hút lòng quý mến, sự giúp đỡ từ những người khác (quý nhân). Chuông gió phải gồm những ống rỗng để khí có thể lưu thông dễ dàng. Ngoài ra, có thể đặt hoa tươi cũng rất tốt cho khu vực Tây Bắc.
Cung Tình Duyên và cung Học Thức
Các sản phẩm được làm từ pha lê đặt ở góc Tây Nam và Đông Bắc sẽ giúp kích hoạt cung Tình Duyên và cung Học Thức của bạn. Pha lê là công cụ tuyệt vời trong phong thủy, đặc biệt khi kết hợp với đèn chùm.
Cung Danh Vọng
Lắp đặt đèn chiếu sáng ở phía Nam sẽ giúp tăng cường sinh khí và năng lượng cho cung Danh Vọng của bạn, đèn có ánh sáng càng mạnh càng tốt. Đèn sáng cũng là một công cụ kích hoạt phong thủy tuyệt vời để thu hút những điều kiện phong thủy thuận lợi, đặc biệt thích hợp cho khu vực Tây Nam và Đông Bắc.
Ô vuông Lạc thư thần bí
Trong các nghiên cứu của lịch sử Trung Quốc cổ đại có viết, khoảng 4000 năm trước tức năm 2005 trước Công nguyên, trên sông Lạc Thủy có nổi lên một con rùa, trên lưng có chín con số sắp xếp trong một ô vuông. Ô vuông này tương ứng với tám quẻ Bát Quái sắp xếp xung quanh tâm điểm thứ chín.
Lưng rùa có chín con số
Những con số này sắp xếp như một ma trận, cộng các con số lại theo bất cứ chiều nào cũng ra kết quả là 15, là con số chỉ trăng tròn (ngày rằm thường là ngày 15).
Sự sắp xếp các con số trong chín ô vuông gọi là ô vuông Lạc Thư. Ô vuông Lạc Thư có ảnh hưởng mạnh và thần bí đối với các biểu tượng trong văn hóa Trung Quốc, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản. Các con số này đã sớm gắn liền với các quẻ trong Hậu Thiên Bát Quái. Biểu tượng của những ô vuông cũng được mở rộng để có mối liên hệ với tứ linh (bốn con vật linh thiêng) là long, lân, quy, phụng.
Ô vuông Lạc Thư thần bí đóng vai trò rất quan trọng trong các phương pháp của trường phái la bàn.
Ô vuông Lạc Thư và Bát Quái
Một trong những phương pháp mạnh nhất của phong thủy học có liên quan chặt chẽ đến ô vuông Lạc Thư. Tương quan giữa Bát Quái và Lạc thư trở nên rõ ràng khi chồng ô vuông Lạc Thư lên bát quái theo hướng la bàn, sao cho số 9 nằm ở hướng Nam và số 1 nằm ở hướng Bắc. Khi chồng lên, các con số Lạc Thư được định vị chính xác trên Bát Quái, Lạc Thư khi đó có thể giải mã và mở rộng ý nghĩa của Bát Quái dựa trên Kinh Dịch, mà trận và toán số (toán số là ý nghĩa của những con số này).
Biểu tượng của Bát Quái và những con số Lạc Thư là nền tảng cho những công thức của trường phái Phong Thủy La Bàn. Trường phái phong thủy la bàn không chỉ khảo sát theo không gian ba chiều mà còn tính cả chiều thời gian. Điều này được lý giải là do mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm và mỗi chu kỳ 24 năm đều ứng với một con số Lạc Thư. Dựa vào con số Lạc Thư, người ta có thể tính toán ra ngày tốt, xấu dùng cho các hoạt động trong đời sống thường ngày. Đặc biệt, những tính toán này được áp dụng và in vào cuốn lịch Đông Thư.
Đặc tính thần bí
Ô vuông Lạc Thư cũng trở thành nền tảng của nghi thức Lão Giáo. Các công thức tính toán theo phong thủy dựa vào ô vuông Lạc Thư đã được áp dụng hàng nghìn năm ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Ô vuông Lạc Thư được cho là cánh cổng dẫn đến nền văn minh và tri thức cổ đại, vừa có tính khoa học, vừa có tính thần bí của con người.
Daquyvietnam,
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
You must log in to post a comment.