Dao
Đặt tên con là Dao, đặt tên doanh nghiệp là Dao. DaquyVietnam xin giới thiệu tới các bạn một số tên hay là Dao và ý nghĩa của tên gọi như Đồng Dao – Kim Dao – Ngọc Dao – Phong Dao – Quỳnh Dao.
Đồng Dao
Bài hát dân gian của trẻ em. Chỉ loại hình thơ ca dân gian truyền miệng mà trẻ em các nước Á Đông thường hát hò trong những dịp vui chơi giải trí, trong đó đồng dao về các trò chơi là phổ biến nhất (bịt mắt bắt dê, dung dăng dung dẻ, kéo cưa lừa xẻ, rồng rắn lên mây, đánh chuyền, lò cò…). Xin dẫn chứng một bài đồng dao “Kéo cưa lừa xẻ. Ông thợ nào khỏe. Thì ăn cơm vua. Ông thợ nào thua. Về bú tí mẹ”.
Xét về bản chất văn hóa, Đồng Dao cùng tương đồng với Ca Dao và Phong Dao. Ngày nay, do điều kiện cuộc sống thay đổi nên trẻ em ít hát đồng dao, dẫn đến hiện trạng loại hình văn hóa thú vị dành cho lứa tuổi nhi đồng đang dần mai một.
Kim Dao
Dao vàng (làm bằng vàng). Một âm khác của chữ Dao là Đao, nên cũng có thể hiểu Kim Dao theo nghĩa Đao vàng. Tên gọi chỉ một loại binh khí (đao), một dụng cụ sinh hoạt (dao) nhưng lại mang ý nghĩa về bản chất trân quý, tinh túy và cao đẹp của sự vật. Người đời thường dùng câu “lấy dao vàng mổ cá” để chỉ thái độ chê cười hành vi đem cái cao sang dùng vào việc tầm thường, lấy cái quý giá đối trọi với cái rẻ rúng.
Tuy nhiên trong văn chương, kẻ sĩ lại quan niệm động thái dùng dao vàng là sự lột tả mang ý nghĩa biểu trưng của cử chỉ cao đẹp và tinh túy của bậc trí giả trong cuộc sống bình thường. Trong bài thơ Đáp Bắc nhân vấn An Nam phong tục tức “Trả lời câu hỏi của người phương Bắc về phong tục An Nam” của Hồ Quý Ly, có câu:
Ngọc ủng khai tân tửu
Kim dao chước tế lân
Dịch thơ: Bình ngọc khui rượu mới. Dao vàng mổ cá ngon.
Trong bài thơ Hành lạc từ – I của Nguyễn Du có câu:
Kim dao thiết ngọc soạn
Mỹ tửu lũy bách chi
Dịch thơ: Dao vàng thái món quý. Rượu ngon uống trăm ly.
Ngọc Dao
Là tên gọi một loại ngọc đẹp được giới quý tộc thời xưa rất ưa chuộng. Còn dùng chỉ các sự vật và hiện tượng sáng sủa, tươi tốt, tinh túy và đẹp đẽ, như Dao Chương tức: Lời hay ý đẹp.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” được cho là mượn ý câu văn trong Tấn thư: Vương Nhung truyện “Vuơng Diễn thần tứ cao triệt như dao lam quỳnh thụ” dịch nghĩa: Ý tứ của Vương Diễn cao sâu như rừng ngọc dao cây ngọc quỳnh. Ghi chú: Vương Diễn (250 – 311) làm quan tư đồ thời Tây Tấn.
Phong Dao
Bài hát dân gian truyền miệng có từ ngàn xưa. Chỉ các bài ca được lưu truyền trong văn hóa dân gian từ lâu đời về phong tục, tập quán và nếp sống của người dân trong vùng, trong cộng đồng dân tộc hoặc trong nước. Xét về bản chất văn hoá, Phong Dao tương đồng với Ca Dao và Đồng Dao. Xin dẫn chứng một bài phong dao “Con mèo trèo lên cây cau. Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà. Chú chuột đi chợ đàng xa. Mua mắm, mua muối giỗ cha con mèo”.
Quỳnh Dao
Ngọc Quỳnh, ngọc dao. Chỉ hai loại ngọc đẹp và quý được giới thượng lưu thời xưa rất ưa chuộng. Tên gọi mang ngụ ý về vẻ đẹp cao sang quý phái. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” được cho là mượn ý câu văn trong Tấn thư: Vương Nhung truyện “Vuơng Diễn thần tứ cao triệt như dao lam quỳnh thụ” . Dịch nghĩa: Ý tứ của Vương Diễn cao sầu như rừng ngọc dao cây ngọc quỳnh. Ghi chú: Vượng Diễn (250 – 311) làm quan tư đồ thời Tây Tấn.
Tuy nhiên, cũng có quan niệm cho rằng Quỳnh Dao (Giao) tức cây quỳnh cành dao chỉ mối tương quan giữa cây quỳnh với cây giao trong nghệ thuật trồng cây cảnh. Do cây quỳnh không có cành còn cây giao không có lá nên khi trồng xen nhau đem lại sự bổ sung hoàn hảo và đầy ý nghĩa, trở thành biểu tượng của tình yêu gắn bó thủy chung.
DaquyVietnam,
Leave a Reply
Want to join the discussion?Feel free to contribute!
You must log in to post a comment.