Ý nghĩa tên Danh, đặt tên con là Danh

Danh

Đặt tên con là Danh, đặt tên doanh nghiệp là Danh. DaquyVietnam xin giới thiệu tới các bạn một số tên hay là Danh và ý nghĩa của tên gọi như Cao Danh – Công Danh – Huân Danh – Hữu Danh – Minh Danh – Tài Danh – Thanh Danh – Thành Danh – Quý Danh – Văn Danh – Uy Danh – Vị Danh.

Cao Danh

Tiếng tăm lớn. Chỉ người tài đức lập được nhiều công lao, thành tích, có tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người đề cao và khâm phục, được xã hội trọng thị và ngợi ca, được đất nước tôn vinh và tưởng thưởng. Trong bài thơ Nôm Trúc quân tử của Lê Thánh Tông có câu “Giống lạ Giang Lăng đã được dành. Một mai nắng chiếm được cao danh”.

Tài trợ nội dung

Công Danh

Công lao và danh tiếng, gắn liền với thành ngữ “Công danh sự nghiệp”. Ngụ ý về mối tương quan giữa sự nghiệp và tiếng tăm trong xã hội. Làm việc tốt đem lại kết quả mỹ mãn, nhất là việc có ích, việc công việc nước, đó là tiền đề của sự nổi tiếng. Trong bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão có câu:

Nam nhi vị liệu công danh trái

Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu

Dịch thơ: Công danh nam tử còn vương nợ. Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

Huân Danh

Công lao nổi tiếng. Chỉ người gánh vác trọng trách lớn, lập được đại công, trở nên nổi tiếng bởi chiến tích của mình, được mọi người đề cao, được xã hội ca ngợi, được đất nước khen tặng. Trong bài thơ Tống bình tây đô đốc Trang Định đại vương phụng chiếu chinh Chiêm Thành của Trần Nguyên Đán có câu:

Đông Bình uy vọng nhân giai phục

Thượng tể huân danh thế cộng suy

Dịch thơ: Đông Bình oai vọng bao người phục. Tể tướng danh còn mấy hệ tôn.

Hữu Danh

Có tiếng tăm. Là người nổi tiếng trong một lĩnh vực nào đó hoặc có công lao đối với nước nhà và xã hội, tên tuổi vàng xa, được nhiều người biết đến. Hữu danh còn chỉ các địa danh nổi tiếng, các sự kiện nổi tiếng trong lịch sử.

Trong bài thơ Quỷ môn quan của Nguyễn Du có câu:

Như thử hữu danh sinh tử địa

Khả liên vô số khứ lại nhân

Dịch nghĩa: Là nơi nổi tiếng nguy hiểm đến tính mạng. Thương thay, bao nhiêu người vẫn phải đi về qua đây.

Minh Danh

Sáng danh, rạng danh. Là người có công lao to lớn đối với dân với nước, tạo ra tiếng tăm rạng rỡ, được nhân dân ngưỡng mộ, được xã hội tôn vinh và trở thành tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Cũng có thể hiểu Minh Danh theo nghĩa Danh tiếng chói lọi chỉ người có tiếng tăm lừng lẫy do tài đức và công lao của họ.

Tài Danh

Giỏi giang và nổi tiếng. Là người thông minh tài giỏi trong một nghề hoặc nhiều nghề, được đánh giá là nhân vật xuất sắc trong lĩnh vực của mình, được mọi người kính trọng, được xã hội đề cao, có tiếng tăm vang dội. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Nền phú hậu bậc tài danh. Văn chương nết đất thông minh tính trời”.

Thanh Danh

Tiếng tăm, nổi tiếng. Là người nổi bật trong lĩnh vực nào đó hoặc có công lao đối với nước nhà và xã hội, tên tuổi vang xa, được nhiều người biết đến. Trong bài Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Đĩnh Chi có câu:

Quýnh địa vị chi thanh cao

Ái thanh danh chi chiêu chước

Dịch nghĩa: Xa địa vị ắt thanh cao, lắm danh tiếng ắt sáng rỡ. Cũng có thể hiểu Thanh Danh theo nghĩa Tiếng lành như trong câu thành ngữ “Tiếng lành đồn xa”

Cách giải nghĩa khác về Thanh Danh: Tiếng tăm trong sạch. Là người có cuộc sống trong sạch, liêm khiết và lương thiện, biết giữ gìn tên tuổi của mình, được mọi người ngưỡng mộ và đề cao. Trong bài thơ Nhắn bạn của Hoàng Văn Thụ có câu “Việc nước xưa nay có bại thành. Miễn sao giữ trọn được thanh danh”

Thành Danh

Người đạt được tiếng tăm. Là người trải qua một quá trình làm việc và cống hiến, có được thành tựu đáng kể trong lĩnh vực của mình, tên tuổi trở nên nổi tiếng. Thành ngữ có câu “Công thành danh toại” tức: Công lao hoàn thành, tiếng tăm thỏa nguyện.

Tuy nhiên vẫn có những quan điểm khác về con đường công danh của đời người, như trong bài thơ Sơn trung khiển hứng của Trần Nguyên Đán có câu:

Tọa đại công thành danh toại hậu

Nhất khẩu lão cốt dĩ lăng tăng

Dịch thơ: Ngồi đợi sau này nên danh tiếng. Thì nắm xương già hóa gò cao. Ghi chú:Xin chép ra để mọi người tham khảo.

Quý Danh

Tên tuổi cao sang (quý giá). Theo quan niệm xưa, chỉ những người thuộc tầng lớp trên trong xã hội, như giới nho sĩ, quý tộc, người giàu có, người có chức có quyền… Ngoài ra, còn được dùng trong giao tiếp khi cần hỏi tên nhau một cách tôn trọng, lịch sự. Trong bài thơ Nôm Tự thán – XIII của Nguyễn Trãi có câu “Phú quý lòng hơn phú quý danh. Thân hòa tự tại thú hòa thanh”.

Văn Danh

Người theo nghiệp văn (văn hóa, văn học, văn nghệ…). Chỉ những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật, lấy nghề văn làm sự nghiệp cuộc sống. Tên gọi mang ngụ ý, cha mẹ mong muốn mai sau vào đời con sẽ theo đuổi nghiệp văn.

Cách giải nghĩa khác về Văn Danh: Nghe danh, nghe tiếng. Ngụ ý về một người nổi tiếng, tên tuổi đồn xa ai cũng biết. Trong bài Phú Bạch Đằng giang của Trương Hán Siêu có câu:

Nhân nhân hề văn danh

Phỉ nhận hồ câu dẫn

Dịch nghĩa: Tiếng thơm đồn mãi, bia miệng không mòn.

Uy Danh

Nổi tiếng oai phong. Là người có tiếng tăm lừng lẫy bởi những chiến tích oai hùng khiến người khác nghe đến phải kính phục và nể sợ. Trong Truyền kỳ mạn lục. Quyển XIX: Cuộc nói chuyện thơ ở Kim Hoa của Nguyễn Dữ có câu thơ:

Thiết mã tại thiên, danh tại sử

Anh uy lẫm lẫm mãn giang san

Dịch thơ: Ngựa sắt về trời, tên ở sử. Oai phong còn dậy khắp non sông.

Vị Danh

Vì tiếng tăm. Là người sống và làm việc vì danh tiếng của bản thân, gia đình và dòng họ. Cũng có nghĩa là có lối sống, phong cách làm việc và thái độ ứng xử đàng hoàng, mực thước, đúng đắn và lành mạnh để duy trì và bảo vệ thanh danh đã có, để không xảy ra tai tiếng làm ô danh tiếng thơm của bản thân, gia đình và dòng họ. Tên gọi mang nhận thức về giá trị và tầm ảnh hưởng của tiếng tăm trong cuộc sống.

DaquyVietnam,

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!