Ý nghĩa tên Chính, đặt tên con là Chính

Chính

Đặt tên con là Chính, đặt tên doanh nghiệp là Chính. DaquyVietnam xin giới thiệu tới các bạn một số tên hay là Chính và ý nghĩa của tên gọi như Danh Chính – Đại Chính – Đoan Chính – Đức Chính – Công Chính – Gia Chính – Liêm Chính – Lương Chính – Minh Chính – Nhân Chính – Quân Chính – Quốc Chính.

Danh Chính

Tên tuổi chính đáng. Chỉ người được thụ hưởng hợp pháp sự nghiệp, gia sản của cha ông hoặc người sử dụng tên tuổi của mình một cách xác đáng, đàng hoàng và hợp lẽ phải. Tên gọi phản ánh nhận thức về cái lý trong việc phân định quyền lợi chính đáng của con người. Thời quân chủ, tính chính danh là một trong những nguyên tắc hàng đầu khi xác lập quyền kế vị ngôi vua. Ngạn ngữ có câu “Danh chính, ngôn thuận, sự tất thành”

Tài trợ nội dung

Dịch nghĩa: Tên tuổi chính đáng, lời nói hợp lý thì việc làm nhất định thành công

Đại Chính

Sư chính đáng lớn lao. Chỉ sự chính nghĩa, chính đáng mang tầm vóc lớn lao của một công việc hay một sự nghiệp cao cả có khả năng ảnh hưởng hoặc chi phối sâu rộng tới đời sống xã hội và quốc gia – dân tộc. Tên gọi đề cao bản chất chính nghĩa trong một cuộc đời, một sự nghiệp cống hiến cho sự tổn hàng của đất nước và dân tộc. Đại Chính là niên hiệu dưới triều vua Mạc Thái Tông, từ 1530 đến 1540.

Đoan Chính

Sự ngay thẳng. Là người có tính cách bộc trực, thẳng thắn, lòng dạ trong sáng và trung thực, không quanh co mờ ám, không khuất tất lươn lẹo, có lối sống lành mạnh và lương thiện. Trong một giới hạn khác, đoan chính dùng chỉ người phụ nữ đứng đắn. Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu “Thấy lời đoan chính dễ nghe. Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân”.

Đức Chính

Đạo đức và chính nghĩa. Có đạo đức và có lẽ phải thì làm việc gì cũng tốt, luôn nhận được sự ủng hộ của mọi người và sớm muộn cũng đạt được mục đích. Tên gọi còn phản ánh sự tương quan giữa đức và chính, người có lẽ phải luôn tôn trọng đạo đức và làm theo lương tâm đạo đức; người có đức thường tôn trọng lẽ phải, luôn làm việc đúng, việc phải theo tâm đức.

Công Chính

Chính trực trong việc công. Thể hiện sự chính trực trong công việc là tôn trọng lẽ phải và lẽ công bằng, trong sạch và ngay thẳng, bảo vệ sự đúng đắn, chống lại sự sai lệch, không vi lợi ích riêng tư mà che giấu sự thật. Tên gọi phản ánh ước muốn của cha mẹ, mai sau con được phụng sự nước nhà thì phải có lòng nhiệt thành, trung thực và chí công vô tư.

Cách giải nghĩa khác về Công Chính: Công việc xây dựng cơ sở vật chất của nhà nước. Là công việc kiến thiết các công trình công cộng như đường sá, cầu cống, công viên, chợ búa… Theo nghĩa hiện đại, công chính còn dùng chỉ công việc quản lý và điều hành các công trình công cộng, các dịch vụ công cộng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Gia Chính

Công việc trong nhà. Là cách sắp xếp và tổ chức cuộc sống trong gia đình sao cho êm ấm, vui vầy và hạnh phúc. Trong một giới hạn khác, gia chính dùng chỉ công việc của phụ nữ trong gia đình, bao gồm việc chợ búa, nấu nướng, may vá, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái…Thành ngữ có câu “Nữ công gia chính” tức: Công việc của phụ nữ trong nhà. Ghi chú: ở miền Nam chữ chính được nói lái thành chánh.

Liêm Chính

Trong sạch và ngay thẳng. Thanh liêm và chính trực là hai nguyên tắc chủ đạo của công bộc xã hội, người thanh liêm thường chính trực, người chính trực thường thanh liêm. Tên gọi đề cao phẩm chất trong sáng, ngay thẳng và liêm khiết trong môi trường cuộc sống. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm việc công việc nước được đúc kết thành câu “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Lương Chính

Đường lối chính trị tốt đẹp. Là đường lối đối nội và đối ngoại độc lập tự chủ của nhà nước hướng tới mục tiêu “quốc thái dân an”, dân giàu nước mạnh, bảo vệ tổ quốc, thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao dân trí và các phúc lợi xã hội, thúc đẩy sự tiến bộ và thực hiện quyền bình đẳng cho mọi người dân trong nước. Tên gọi đề cao đường lối chính trị sáng suốt và đúng đắn giúp đem lại môi trường sống thái hòa, bình an, ấm no và hạnh phúc.

Minh Chính

Chính nghĩa sáng ngời. Chính nghĩa là lẽ phải, khi được nhiều người nhìn nhận và đồng lòng hưởng ứng đấy là lúc chính nghĩa tỏa sáng. Thông điệp về sự đúng đắn và lẽ phải hiện hữu giữa thanh thiên bạch nhật, không cần che giấu, bưng bít.

Cách giải nghĩa khác về Minh Chính: Ánh sáng của đường lối chính trị. Chỉ đường lối chính trị đúng đắn, phù hợp với tình thế và thời cuộc, trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức hoặc trào lưu chính trị, đem lại hiệu quả tốt đẹp.

Nhân Chính

Đường lối vì dân trong việc điều hành đất nước. Là chính sách lấy con người làm trọng tâm trong mọi lĩnh vực hoạt động của đất nước như câu thành ngữ “Quốc kế dân sinh” tức: Kế hoạch phát triển đất nước để nâng cao đời sống nhân dân. Câu khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra cũng phản ánh được phần nào tư tưởng nhân chính.

Quân Chính

Việc tổ chức và điều hành quân đội. Ngày nay, là công việc của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu của quân đội các nước. Trong một giới hạn khác, quân chính được dùng chỉ công việc chính trị trong quân đội vô sản, cộng sản, người đứng đầu công việc này tại các đơn vị quân đội được gọi là chính ủy, chính trị viên.

Quốc Chính

Chính nghĩa quốc gia. Mang ý nghĩa con đường quốc gia đang tiến tới là hướng đi đúng đắn, hợp lý và thuận lòng người. Cũng có khi, chính nghĩa quốc gia được sử dụng như một công cụ pháp lý trong chính sách ngoại giao để bảo vệ lẽ phải và quyền lợi của đất nước trong các vấn đề tranh chấp quốc tế.

Cách giải nghĩa khác về Quốc Chính: Nền chính trị quốc gia. Chỉ nền tảng chính trị đất nước được quy định trong Hiến Pháp, bao gồm: chế độ chính trị, chế độ kinh tế, các chính sách về văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hệ thống quyền lực và công tác tổ chức bộ máy nhà nước, quy định thủ đô, quốc khánh, quốc kỳ quốc ca, quốc huy…

DaquyVietnam,

 

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!