Âu

Đặt tên con là Âu, đặt tên doanh nghiệp là Âu. DaquyVietnam xin giới thiệu tới các bạn một số tên hay là Âu và ý nghĩa của tên như Bảo Âu – Hải Âu – Kim Âu – Mỹ Âu – Tây Âu.

Bảo Âu

Chiếc âu quý giá. Âu là đồ vật làm bằng sành sứ, đá hoặc kim loại dùng để đựng hoặc để trưng bày. Chiếc âu quý thường được chế tác bằng chất liệu đắt giá, tinh xảo và mỹ thuật, có thể mang đặc trưng nào đó về lịch sử – văn hoá. Tên gọi đề cao giá trị vật chất và tinh thần của một đồ vật quý, cần được nâng niu, giữ gìn cẩn trọng cho đời sau.

Tài trợ nội dung

Hải Âu

Chim Hải Âu. Là các loài chim biển thuộc bộ Hải Âu (Procellariiformes). Hải âu còn được gọi là chim báo bão, do khả năng cảm nhận sự biến đổi của môi trường không khí, bấy giờ thời tiết nóng hơn, độ ẩm tăng cao nên chim nhận biết được trời sắp có bão, chúng hoạt động khẩn trương để kiếm mồi tha về tổ cho con, tránh nguy cơ bị đói. Người đi biển dựa vào hiện tượng bất thường của chim để tìm nơi trú bão.

Trong Bài thơ tình về chim Hải Âu của Lưu Trùng Dương có đoạn “Một cánh chim như cánh buồm vời vợi. Bỗng chập chờn như hiện giữa chiêm bao.  Nàng đã hoá thành chim Hải Âu. Bay tìm ai trên sóng biển bạc đầu…!”.

Kim Âu

Chiếc âu vàng (đồ vật dùng để đựng bằng vàng). Âu vàng tất nhiên quý giá và là báu vật của gia đình, dòng họ hoặc quốc gia. Trong cổ thi, âu vàng còn được ví von với sự vững vàng, ổn định, như câu “Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Dịch thơ: Non sông nghìn thủa vững âu vàng, (thơ Trần Nhân Tông, dịch Trần Trọng Kim). Trong bài thơ Á Tế Á ca của Phan Bội Châu có câu “Thịt một miếng trăm dao xâu xé. Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành”.

Mỹ Âu

Chiếc âu đẹp. Chỉ loại đồ vật làm bằng sành sứ, đá, kim loại… dùng để đựng hoặc trưng bày, được chế tác công phu, tinh xảo và mỹ thuật, có giá trị cao, thường được gìn giữ qua các thế hệ.

Cách giải nghĩa khác về Mỹ Âu: Châu Mỹ và châu Âu. Nghĩa tương đồng với Âu Mỹ. Chỉ số ít gia đình ảnh hưởng văn hoá phương Tây mới đặt tên con theo nghĩa này. Trong bài Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu có câu “Tuồng thiên diễn mưa Âu gió Mỹ, cuộc nọ kém thua hơn được, ngó non sông nên nhớ bậc tiên tri. Dấu địa linh con Lạc cháu Hồng, người sao trước có sau không, kinh sấm sét dễ đau lòng hậu bối.

Tây Âu

Tộc người Tây Âu. Còn gọi là tộc người Âu Việt, là một tập hợp gồm nhiều bộ lạc có mối quan hệ huyết thống gần gũi, có sự tương đồng văn hoá và các mối quan hệ mật thiết về kinh tế – xã hội, cùng cư trú trong một địa vực rộng lớn từ miền núi phía Tây Quảng Đông và phía Nam Quảng Tây Trung Quốc đến phía Bắc Việt Nam ngày nay. Người Tây Âu là một bộ phận thuộc cộng đồng văn hoá Bách Việt (cư trú từ phía Nam sông Dương Tử đến phía Bắc Việt Nam), là láng giềng gần gũi với người Lạc Việt.

Khi thời đại Hùng Vương (nước Văn Lang) của người Lạc Việt bước vào giai đoạn suy tàn, khoảng năm 258(?) trước CN, thủ lĩnh Thục Phán của người Tây Âu thâu tóm Văn Lang, lập nước Âu Lạc (liên minh giữa hai tộc người Âu Việt và Lạc Việt), lên làm vua gọi là An Dương Vương, đóng đô tại Cổ Loa (Hà Nội). Năm 208 trước CN, Triệu Đà (Nam Việt Vương) đánh chiếm Âu Lạc và sáp nhập Âu Lạc vào nước Nam Việt. Người Lạc Việt và Âu Lạc được xem là thuỷ tổ của người Việt Nam ngày nay.

Cách giải nghĩa khác về Tây Âu: khu vực phía Tây châu Âu. Là khái niệm địa chính trị chỉ vùng đất ở phái tây châu Âu. Là khái niệm địa chính trị chỉ vùng đất ở phía tây châu Âu. Tuy nhiên, khái niệm này thay đổi theo thời đại, trong lịch sử cổ đại, Tây Âu chỉ đế chế Tây La Mã; thời trung đại chỉ vùng đất bao gồm nhiều quốc gia ở phía tây của đế chế Đông La Mã; thời hiện đại, trong giai đoạn chiến tranh lạnh chỉ các nước ở châu Âu thuộc hệ thống tư bản chủ nghĩa.

DaquyVietnam – vạn danh kỳ thư.

0 replies

Leave a Reply

Want to join the discussion?
Feel free to contribute!